Tin tức Khẩu trang Y tế ngày 24/12/2020

Tin tức Khẩu trang Y tế ngày 24/12/2020

CDEXIM tổng hơp Tin tức liên quan đến Khẩu trang Y tế ngày 24/12/2020, giúp các bạn có những thông tin mới nhất và chính xác nhất từ các nguồn thông tin uy tín

>>> Có thể bạn quan tâm: Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế tự động KZ0101 [130 cái/phút]


1. Việt Nam: Cô gái Hà Nội về từ Mỹ nhiễm nCoV

Bộ Y tế chiều 23/12 ghi nhận một ca dương tính nCoV, là cô gái về từ Mỹ được cách ly ngay tại Hà Nội sau nhập cảnh. Tổng ca nhiễm lên 1.421.

"Bệnh nhân 1421", 22 tuổi, ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 21/12, cô từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN415, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần một ngày 23/12 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ảnh minh họa

Như vậy, tổng ca nhiễm lên 1.421, số khỏi 1.281. Số người tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính.

Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 6 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 10 người âm tính lần hai và 4 người âm tính lần ba. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly hơn 16.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện gần 200; cách ly tập trung hơn 15.000, còn lại ở nhà hoặc nơi lưu trú.

Việt Nam xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng tại TP HCM sau 89 ngày không lây cộng đồng. Ổ dịch cơ bản được kiểm soát, 22 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Song, nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt "Thông điệp 5K", nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

Thế giới ghi nhận hơn 1,7 triệu người chết vì nCoV trong hơn 78 triệu người nhiễm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.

VNexpress

 

2. Bộ Y Tế Việt Nam: Chủng virus biến chủng làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lên 70%

Tại phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về phòng chống COVID-19 ngày 23-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chủng virus biến chủng ở Anh đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lên 70%.

Tiếp nhận mẫu xét nghiệm tìm virus corona tại CDC Đà Nẵng
Tiếp nhận mẫu xét nghiệm tìm virus corona tại CDC Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Trước đây, Việt Nam từng ghi nhận sự biến chủng của virus gây bệnh COVID-19 tại ổ dịch Đà Nẵng, với tốc độ lây lan không lớn bằng sự biến chủng của virus tại Anh, nhưng lúc đó Việt Nam đã phải đối phó khá vất vả. Do vậy phòng chống virus biến chủng xâm nhập là hết sức cần thiết. 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong số ca bệnh mới ghi nhận tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm chủng mới xuất hiện ở Anh.

"Chúng tôi đang chủ động phòng chống virus biến chủng. Chủng virus biến chủng tại Anh chỉ làm tăng khả năng lây lan chứ không làm cho tình trạng bệnh tật nặng lên trên cơ thể người mắc bệnh COVID-19. Tại Việt Nam đến ngày 23-12 đã 21 ngày liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng. Các ca bệnh mới đều mới nhập cảnh và được cách ly kịp thời" - ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết cần tăng cường giám sát khâu cách ly. Tiếp viên và thành viên phi hành đoàn sẽ phải cách ly đủ 14 ngày (bao gồm 3 ngày cách ly tập trung, 2 lần xét nghiệm âm tính và 11 ngày cách ly tại nơi cư trú). Sở Y tế Hà Nội đề nghị không cách ly chuyên gia, nhà đầu tư... tại các chung cư không đảm bảo điều kiện, dễ xảy ra lây nhiễm.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27-12 tại Việt Nam, theo tinh thần nghị quyết do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 7-12 vừa qua bắt nguồn từ đề nghị của Việt Nam.

Theo đó, đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức, khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phi chính phủ... tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh hằng năm, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, chuẩn bị và hợp tác ứng phó với dịch bệnh.

Ngày 27-12 được chọn làm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, được chọn theo ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur - một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế dự phòng. Cho đến nay, các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin vẫn đang tiếp tục cứu sống nhiều người trên toàn thế giới.

Tuổi trẻ Online

 

3. Thái Lan: Mạnh tay xử lý tình trạng ''thổi giá'' khẩu trang y tế

Những người "thổi" giá khẩu trang lên bán kiếm lời sẽ đối diện với mức phạt tù có thể lên tới bảy năm hoặc án phạt tiền 140.000 baht (tương đương 4.632 USD).

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đã đưa ra cảnh báo với tình trạng đẩy giá khẩu trang của những người bán hàng ven đường.

Trong thông báo, Phó Thủ tướng Jurin Laksanawisit khẳng định: "Từ giờ lúc này, tất cả các khẩu trang y tế phải được bán ở mức 2,5 baht (khoảng 0,083 USD) cho mỗi chiếc. Những ai vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù."

Cũng theo thông báo, những người "thổi" giá khẩu trang lên bán kiếm lời sẽ đối diện với mức phạt tù có thể lên tới bảy năm hoặc án phạt tiền 140.000 baht (tương đương 4.632 USD).

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Jurin Laksanawisit cũng khẳng định Thái Lan đủ khả năng cung ứng khẩu trang mà người dân cần.

Ông Laksanawisit nói: "Chúng tôi có hơn 11 nhà máy với khả năng sản xuất lên tới 1,2 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày. Chúng tôi có đủ khả năng cung ứng."

Động thái mới nhất của chính phủ Thái Lan là một trong những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện có bốn địa phương ở Thái Lan chính thức áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới COVID-19.

Tỉnh Samut Sakhon, nơi có khu chợ hải sản là tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh, đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn, tuyên bố địa phương này hiện là "khu vực cách ly" từ ngày 19/12 đến ngày 3/1.

Trong khi đó, hai tỉnh Samut Songkram và Samut Prakan đã công bố lệnh phong tỏa cho tới ngày 4/1, đóng cửa các địa điểm công cộng và hủy tất cả các sự kiện công cộng.

Ngoài ra, tỉnh Chiang Mai ở miền Bắc Thái Lan đã áp dụng biện pháp phong tỏa tại ba huyện Tha Ton, Malika và Mae Ai.

Tính đến trưa 23/12, tại Thái Lan đã có tổng cộng 5.762 ca mắc COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong./.

Anh Hiển (TTXVN/Vietnam+)

4. Nhật Bản: Yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nhà để ngăn COVID-19 bùng phát

Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới khi bước vào mùa đông, với số ca mắc mới tại Tokyo xác lập mức cao kỉ lục.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản.
Ảnh: AFP/TTXVN

Quá trình phải vất vả kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh ngay trước dịp nghỉ lễ đón năm mới đã đẩy giới lãnh đạo địa phương đi tới quyết định yêu cầu người dân thực thi một biện pháp phòng bệnh quyết liệt hơn – đó là đeo khẩu trang tại nhà. 

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cùng những người đồng cấp tại ba tỉnh khác ở Nhật Bản mới đây đã cùng ký chung thông điệp hối thúc người già, người có vấn đề về sức khỏe và số sống cùng cần đeo khẩu trang trong dịp đón năm mới. Một số tỉnh khác như Fukushima và Niigata trước đó cũng phát đi những yêu cầu tương tự.

Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới khi bước vào mùa đông, với số ca mắc mới tại Tokyo xác lập mức cao kỉ lục trong tuần trước, với 821 trường hợp. Tuy nhiên, giới chức không có đủ quyền lực, thẩm quyền để thực thi các biện pháp đóng cửa mạnh mẽ; họ cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân ở trong nhà. Ý tưởng yêu cầu người dân đeo khẩu trang xuất hiện là vì thế, với mục đích tránh lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình. 

Từng được ngợi ca là quốc gia xử lý tốt nhất đại dịch mà không phải sử dụng đến các biện pháp giãn cách xã hội hà khắc, Nhật Bản giờ đây đang tụt hạng. Trong bảng cập nhật “Xếp hạng các nước kiên cường chống COVID-19” tháng 12 do Bloomberg soạn thảo, Nhật Bản rớt xuống hạng 7, so với hạng 2 một tháng trước đó. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)

5. Khẩu trang giúp cả thế giới tránh kẻ thù COVID-19

Từ chỗ chỉ là phụ kiện để bảo vệ da mặt trước tác hại của bụi bẩn, thì nay khẩu trang đã giúp người dân toàn thế giới tránh kẻ thù COVID-19.

2020 là một năm khác biệt. Một năm mà chiếc khẩu trang trở thành món đồ mà đi đâu bạn cũng thấy. Trong khi một số người coi khẩu trang là thứ giúp mình tránh được sự lây lan của COVID-19, một số khác đã nâng nó lên tầng cao mới, thời trang hơn.

Chị Vesna Sposa - Chủ cửa hàng váy cưới tại Croatia cho biết: "Ban đầu nhiều người đặt mua khẩu trang chỗ tôi vì nguồn cung thiếu hụt. Thế rồi, tôi nghĩ tới thiết kế khẩu trang cho các cặp đôi trong ngày cưới, để truyền tải thông điệp ủng hộ đeo khẩu trang, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh bạn".

Vậy mà khi mới được đưa ra khuyến cáo rằng khẩu trang có thể giúp bảo vệ mọi người trước sự lây lan của COVID-19, thì nó cũng không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, vì nhiều lý do như: đeo hay không đeo là quyền cá nhân, nó đem lại sự bất tiện.

Ông Michael Conley - người khiếm thính nói: "Vấn đề của tôi là không nghe được mọi người nói. Từ bé tới lớn, tôi chỉ nhìn khẩu hình miệng của mọi người để giao tiếp với họ. Mọi người đeo khẩu trang, khiến tôi không thể biết ai nói gì. Tôi cảm thấy khá bị cô lập".

Nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết. Chiếc khẩu trang trong suốt đã được ra đời, giúp mọi người thể hiện biểu cảm khuôn mặt theo cách "bình thường mới". Người ta còn đưa cả các công nghệ mới vào khẩu trang để nó hiệu quả hơn.

Ông Ashok Sridhar - chuyên gia nghiên cứu tại Holst Centre chia sẻ: "Bạn có thể thêm các thiết bị thông minh như cảm biến hô hấp, kiểm tra độ ẩm của màng lọc trong khẩu trang, từ đó biết được là đã đến lúc thay khẩu trang mới hay chưa".

Đến giờ, chiếc khẩu trang đã vượt qua vị trí của một phụ kiện, mà trở thành một phần không thể thiếu để cùng con người vượt qua COVID-19.

VTV News

back-to-top.png