Tin tức Khẩu trang Y tế ngày 22/12/2020

Tin tức Khẩu trang Y tế ngày 22/12/2020

CDEXIM tổng hơp Tin tức liên quan đến Khẩu trang Y tế ngày 22/12/2020, giúp các bạn có những thông tin mới nhất và chính xác nhất từ các nguồn thông tin uy tín

>>> Có thể bạn quan tâm: Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế tự động KZ0101 [130 cái/phút]


1. Việt Nam: Một thuyền viên nhập cảnh nhiễm nCoV

Bộ Y tế chiều 21/12 ghi nhận một ca dương tính nCoV, là thuyền viên người Việt về từ Ukraine, được cách ly ngay tại Khánh Hòa.

"Bệnh nhân 1414", nam, 37 tuổi, địa chỉ tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ngày 9/12, anh từ Ukraine nhập cảnh cảng hàng hải Nha Trang - Khánh Hòa trên tàu Navios Marco Polo, cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần hai ngày 21/12 dương tính với nCoV, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó trên tàu này đã ghi nhận 2 ca dương tính với nCoV.

Như vậy, tổng ca nhiễm lên 1.414, số khỏi 1.269. Số người tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính.

Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 9 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 7 người âm tính lần hai và 4 người âm tính lần ba. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly hơn 17.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện gần 200; cách ly tập trung hơn 16.000, còn lại ở nhà hoặc nơi lưu trú.

Việt Nam xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng tại TP HCM sau 89 ngày không lây cộng đồng. Ổ dịch cơ bản được kiểm soát, 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Song, nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt "Thông điệp 5K", nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

Thế giới ghi nhận hơn 1,6 triệu người chết vì nCoV trong hơn 77 triệu người nhiễm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil.

Vnexpress

2. Dịch COVID-19: Các nước châu Âu siết chặt lệnh cấm đi lại

Bất chấp các chương trình tiêm chủng vắcxin bắt đầu được triển khai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến các quốc gia này phải siết chặt các quy định về đi lại.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại London
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại London (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 22/12 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 77.686.670 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.708.235 ca tử vong. Số ca bình phục là 54.561.725 ca.

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở Mỹ và châu Âu, bất chấp các chương trình tiêm chủng vắcxin đang bắt đầu được triển khai. Mỹ tiếp tục là tâm dịch lớn nhất của thế giới, với 18.454.626 ca mắc và 326.668 ca tử vong.

Tờ New York Times đưa tin Mỹ ghi nhận hơn 250.000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/12 vừa qua, gần gấp đôi số người được tiêm vắcxincùng ngày. Bang New York, từng là điểm nóng dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm trước, tiếp tục chứng kiến hơn  6.000 bệnh nhân nhập viện do COVID-19 mỗi ngày kể từ ngày 15/12.

Thống đốc Andrew Cuomo đã hối thúc giới chức liên bang cấm các chuyến bay đến từ Anh hoặc yêu cầu hành khách trên các chuyến bay này phải xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh sau khi Anh phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tại bang Tennessee, Thống đốc Bill Lee đã ký một lệnh hành pháp hạn chế tụ tập ở một số không gian công cộng, song không áp dụng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở bang này tăng kỷ lục với hơn 4.100 ca mắc mỗi ngày.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 10.075.422 ca mắc và 146.145 ca tử vong, Brazil với 7.264.221 ca mắc và 187.322 ca tử vong, Nga với 2.877.727 ca mắc và 51.351 ca tử vong.

[Tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 50.000 ca]

Trước tình hình dịch nóng lên ở Anh, Thụy Điển thông báo sẽ tạm thời không cho phép những người nước ngoài từ Anh và Đan Mạch nhập cảnh vào quốc gia Bắc Âu này. Chính phủ Bỉ cũng quyết định gia hạn lệnh cấm đi lại bằng máy bay và tàu hỏa từ Anh thêm 24 tiếng, cho đến hết ngày 22/12.

Bên cạnh đó, chỉ những người sinh sống tại Bỉ sẽ được phép nhập cảnh vào nước này từ ngày 23-31/12. Kể từ ngày 1/1/2021, những đối tượng khác sẽ được phép nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian gần đây. Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo hoạt động hàng không giữa nước này với Anh và Nam Phi tạm ngừng hoạt động.

Tại Bắc Mỹ, Canada phong tỏa toàn tỉnh Ontario - tỉnh đông dân nhất - trong hai tuần (từ ngày 26/12 đến ngày 9/1/2021), trong đó tại các khu vực phía Nam như Toronto và Ottawa, lệnh phong tỏa có hiệu lực tới ngày 23/1/2021. Với lệnh phong tỏa này, người dân Ontario được khuyến cáo ở tại nhà nhiều nhất có thể, tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu phải đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp thiết yếu sẽ có giới hạn nghiêm ngặt về công suất hoạt động.

Các trường học sẽ đóng cửa các lớp học trực tiếp, các trường tiểu học trên toàn tỉnh và các trường trung học ở khu vực phía Bắc sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến tới ngày 11/1/2021. Các trường trung học ở khu vực phía Nam sẽ tiếp tục học từ xa tới ngày 25/1. Các cuộc tụ họp ở không gian trong nhà bị cấm với những người không phải là thành viên trong hộ gia đình. Người dân được phép tụ tập ở ngoài trời với số lượng lên tới 10 người, nhưng phải duy trì giãn cách xã hội. Các siêu thị được phép hoạt động với 50% công suất.

Trong bối cảnh nhiều nước lên kế hoạch cấm bay hai chiều tới Anh và siết chặt hạn chế phòng dịch dịp cuối năm, ngày 21/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Anh chưa phải đã vượt ngoài tầm kiểm soát và vẫn có thể được khống chế bằng các biện pháp hiện có./.

TTXVN/Vietnam+

 

3. WHO: Chưa cần phát cảnh báo lớn cho biến thể virus corona mới ở Anh

Bất chấp lo ngại của nhiều nước, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra những nhận định lạc quan về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và gọi đây là "một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus".

Ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO
Ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO
- Ảnh: REUTERS

Biến thể mới của virus corona chủng mới (hiện đang được gọi bằng tên VUI-202012/01) thu hút sự chú ý và gây hoang mang vì tốc độ lây nhiễm cao hơn SARS-CoV-2. Biến thể này được ghi nhận lần đầu tiên tại Anh sau đó xuất hiện tại Nam Phi.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối ngày 21-12, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan đã cố gắng trấn an dư luận. "Chúng ta đã chứng kiến một tỉ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều ở các thời điểm khác nhau trong đại dịch lần này nhưng vẫn kiểm soát được. Chưa thể nói tình trạng hiện tại đã vượt ngoài tầm kiểm soát".

Trích dẫn dữ liệu từ Anh, các quan chức WHO cho biết họ không có bằng chứng cho thấy biến thể VUI-202012/01 khiến người bệnh nặng hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 hiện có.

Bà Soumya Swaminathan, một chuyên gia của WHO, khẳng định cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận tình trạng kháng thuốc hoặc lờn thuốc dù các biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, bà Swaminathan cũng lưu ý những nhà sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 nên hiệu chỉnh và tính tới khả năng có thêm các biến thể mới của virus.

Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, biến thể VUI-202012/01 có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn tới 70% và "vượt kiểm soát". Hàng chục quốc gia đã đóng cửa biên giới với những người đi lại từ Anh hay Nam Phi trong nỗ lực ngăn chặn lây lan.

Nói về hành động của các nước, ông Ryan cho rằng các nước đã hành động một cách thận trọng. "Điều quan trọng nhất là người ta đã biết có biến thể mới của virus và hành động", ông Ryan ám chỉ việc chia sẻ thông tin kịp thời.

"Phải có sự minh bạch, phải nói cho công chúng biết biến thể mới là như thế nào. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng đây là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus", quan chức WHO nêu quan điểm.

Các quan chức WHO hi vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết về biến thể VUI-202012/01 trong vài ngày hoặc vài tuần tới để đánh giá các tác động tiềm tàng. Theo WHO, biến thể mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan chậm hơn bệnh cúm và nhiều bệnh khác như quai bị.

Tuổi trẻ Online

 

4. Chủng nCoV siêu lây nhiễm khó kháng vaccine

Các nhà khoa học cho biết chủng mới của nCoV ở Anh có thể trở nên phổ biến, song phải mất nhiều năm mới kháng được các loại vaccine hiện có.

Ngay khi vaccine được phê duyệt, mở ra cánh cửa hy vọng thoát khỏi đại dịch, giới chức Anh cảnh báo khẩn cấp về chủng nCoV mới dễ lây lan hơn trước đó.

Virus nhanh chóng tràn qua London và các khu vực lân cận, Thủ tướng Boris Johnson buộc phải áp đặt lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất của đất nước kể từ tháng 3 đến nay.

Ông nói: "Khi virus thay đổi cách tấn công, chúng ta cũng phải điều chỉnh phương pháp phòng thủ".

Các ga tàu hoả tại London chật kín người cố gắng rời khỏi thành phố trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Hôm 20/12, nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu đóng cửa biên giới đối với người dân từ Anh để ngăn chặn chủng virus mới xâm nhập.

Tại Nam Phi, đột biến tương tự đã xuất hiện. Virus được tìm thấy trong 90% các mẫu bệnh phẩm tại lục địa này kể từ giữa tháng 11.

Chủng biến thể được sử dụng để chỉ các chủng virus có một số thay đổi về "trình tự gene" của chúng so với bản gốc được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Sự biến đổi về "trình tự gene" của virus là hiện tượng tự nhiên vì trong quá trình lây nhiễm, sinh sản, chúng đã sao chép bộ gene của chính mình và tạo lỗi. Đến nay, số lượng chủng biến thể nCoV được phát hiện bằng phương pháp giải trình tự bộ gene từ người bệnh ngẫu nhiên lên tới vài nghìn, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn.

Thực tế, một số biến chủng trở nên phổ biến chỉ là do tình cờ, không có nghĩa những thay đổi khiến virus trở nên ưu việt hơn. Song khi đã có vaccine và nhiều quần thể người xuất hiện khả năng miễn dịch, mầm bệnh khó tồn tại hơn. Các nhà khoa học cho rằng virus sẽ có những đột biến khiến chúng lây lan dễ dàng hoặc thuận lợi trốn tránh hệ miễn dịch.

Jesse Bloom, chuyên gia sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết: "Đây mới là nguy cơ mà chúng ta cần chú ý. Chắc chắn đột biến này sẽ lan rộng. Là những người làm khoa học, chúng tôi cần theo dõi và xác định đặc tính nào có tầm ảnh hưởng".

Chủng nCoV ở Anh có khoảng 20 đột biến. Trong đó, một số đột biến thay đổi về cách thức tiếp xúc và lây nhiễm tế bào người. Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, nhận định các đột biến có thể sao chép và lây truyền hiệu quả hơn. Giới chức nước này cho biết tỷ lệ lây nhiễm của nó có thể cao hơn tới 70%. Nhưng phân tích này chỉ dựa trên mô hình dịch tễ chưa được thẩm định trong các phòng thí nghiệm, tiến sĩ Cevik nói thêm.

Người dân London đeo khẩu trang, đi lại trên đường phố vắng vẻ trong ngày đầu tiên thành phố áp đặt lệnh hạn chế cấp độ 3.
 Ảnh: NY Times

"Trên hết, tôi nghĩ ta cần có thêm dữ liệu thử nghiệm. Chúng tôi không loại trừ khả năng mức độ lây nhiễm cao phụ thuộc vào hành vi của con người", bà nói.

Các nhà khoa học Nam Phi cho rằng hoạt động của người dân mới là nguyên nhân dẫn đến đại dịch, chứ không phải biến chủng mới.

Báo cáo mới của Anh cũng làm dấy lên lo ngại nCoV có thể tiến hóa đến mức độ kháng được những vaccine vừa ra mắt. Họ phỏng đoán một số thay đổi trong mã di truyền của virus bảo vệ nó trước các kháng thể nhất định.

Song chuyên gia cho rằng phải mất nhiều năm, thay vì vài tháng, để virus đủ sức kháng lại vaccine.

"Không nên lo lắng về một đột biến siêu nhiên nào đó khiến tất cả kháng thể và hệ miễn dịch trở nên vô dụng", tiến sĩ Bloom nói.

Ông cho biết thêm: "Đó sẽ là quá trình dài, xảy ra trong nhiều năm, đòi hỏi nhiều lần đột biến. Nó không giống như công tắc bật-tắt".

Chủng mới của virus chỉ đáng lo ngại khi những người từng mắc bệnh hoặc người tiêm vaccine tái nhiễm trở lại dù trong cơ thể vẫn tồn tại kháng thể.

Song các phân tích khoa học không mấy quan trọng với các nước láng giềng của Anh. Lo ngại du khách mang theo biến thể mới nhập cảnh, Hà Lan cho biết sẽ đình chỉ các chuyến bay khởi hành ở Anh kể từ 20/12 đến ngày 1/1.

Italy cũng đóng cửa các đường bay và Bỉ đã ban hành lệnh cấm 24 giờ đối với người đến từ Anh bằng đường hàng không và tàu hoả. Đức đang có động thái tương tự.

Tại Anh, các quan chức thông báo sẽ tăng số lượng cảnh sát tại các trung tâm như ga tàu để đảm bảo người dân chỉ thực hiện các chuyến đi thiết yếu. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, hôm 20/12 cho rằng, những người tháo chạy khỏi London "rất vô trách nhiệm". Ông cũng cho rằng các hạn chế mới có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Giống với các loại mầm bệnh, nCoV có thể thay đổi hình dạng. Các đột biến về di truyền hầu như không quan trọng, song một số có thể mang lại lợi ích cho virus.

Các nhà khoa học lo ngại về khả năng thứ hai. Đặc biệt là khi việc tiêm chủng hàng loạt có thể thúc đẩy nCoV phải thích nghi. Đột biến từ đó giúp virus trốn tránh hoặc chống lại phản ứng miễn dịch.

nCoV đang lây nhiễm một tế bào trong cơ thể người. Ảnh: NY Times

Đột biến còn có khả năng ảnh hưởng đến tính nhạy cảm của virus với kháng thể. Trong một số trường hợp, virus tự loại bỏ vài phần trong mã di truyền để thích nghi. Hiện tượng này đã xuất hiện ít nhất ba lần: ở chồn Đan Mạch, người dân Anh và một bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, trở nên ít phản ứng với liệu pháp huyết tương.

"Mầm bệnh liên tục lây truyền, phát triển và thích nghi với môi trường", Ravindra Gupta, chuyên gia virus tại Đại học Cambridge, nhận định.

Tiến sĩ Deepti Gurdasani, chuyên gia dịch tễ lâm sàng tại Đại học Queen Mary, London, cho biết ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng nCoV khá ổn định và không thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch do vaccine tạo ra.

"Nhưng trong vài tháng qua, có thể thấy rõ đột biến vẫn xảy ra. Khi chọn lọc tự nhiên tăng lên cùng với công tác tiêm chủng hàng loạt, tôi nghĩ đột biến này có thể trở nên phổ thông hơn", bà nói.

Tin tốt là công nghệ được sử dụng trong vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna dễ dàng điều chỉnh, cập nhật hơn nhiều so với liều tiêm thông thường. Các loại vaccine mới cũng tạo ra phản ứng miễn dịch lớn, vì vậy, nCoV có thể cần đột biến trong nhiều năm trước khi cần sửa đổi vaccine, tiến sĩ Trevor Bedford, nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nói.

Thục Linh (Theo NY Times, BMJ)

 

5. Italy: Thảm trạng trong cuộc chiến Covid-19

Trung bình mỗi ngày khoảng 611 người Italy chết vì Covid-19, đến nay ghi nhận hơn 68.900 trường hợp tử vong, nhiều nhất châu Âu và thứ 5 thế giới.

Số người chết do Covid-19 tại Italy hiện chỉ sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.

Italy, quốc gia ngoài châu Á đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm nay, hiện một lần nữa phải vật lộn trong đợt bùng phát thứ hai chết chóc nhất thế giới.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Covid-19 tại Italy gây chết người nhiều hơn so với những nơi khác?

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết lý do một phần nằm ở nhân khẩu học. Italy là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản. Gần ¼ người dân nước này trên 65 tuổi, nhóm tuổi dễ tử vong nếu mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, các gia đình Italy thường bao gồm nhiều thế hệ, sống chung dưới một mái nhà. Điều này dễ khiến người già nhiễm nCoV từ họ hàng, những người trẻ tuổi hơn.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, 95% số người thiệt mạng do Covid-19 tại nước này trên 60 tuổi, 86% trên 70 tuổi. Các trường hợp tử vong tại nhiều quốc gia cũng tập trung ở nhóm tuổi này, song con số của Italy cao hơn.

Quan tài của những người tử vong do Covid-19 tại thành phố Bergamo, Italy,
tháng 3/2020. Ảnh: AFP

Các dữ liệu cũng có vẻ ảm đạm nếu tính theo bình quân đầu người. Trong hai tuần qua, quốc gia ghi nhận 15,9 ca tử vong do nCoV trên mỗi 100.000 cư dân, quá cao so với con số 6,3 ở Tây Ban Nha, 6,9 ở Đức và 8,3 ở Pháp.

Hồi tháng 3, hình ảnh những chiếc xe tải quân đội chở thi thể bệnh nhân Covid-19 ra khỏi thành phố Bergamo đã gây tác động mạnh, trở thành biểu tượng cho thảm kịch đang diễn ra ở Italy, là lời cảnh báo cho phần còn lại của thế giới.

Tỷ lệ nhiễm nCoV tại nước này vẫn ở mức khiêm tốn, ngay cả vào đầu mùa thu, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai tràn qua châu Âu. Song khi mùa đông đến, Italy một lần nữa đối mặt với cơn ác mộng tháng 3.

Hôm 18/12, chính phủ Italy thông báo kế hoạch phong tỏa mới trong dịp lễ Giáng sinh, năm mới vì lo ngại các bệnh viện quá tải và số ca tử vong thậm chí có thể cao hơn tháng 1.

Từ ngày 24/12 đến 6/1, các quán bar và nhà hàng sẽ phải đóng cửa. Chính phủ cũng áp đặt lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc. Vào những ngày cụ thể, chẳng hạn đêm Giáng sinh và cuối tuần, hầu hết cửa hàng ngừng hoạt động.

"Các chuyên gia vô cùng lo ngại đường cong dịch tễ có thể tăng trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh", Thủ tướng Italy Giuseppe Conte phát biểu hôm 18/12 khi giải thích về các quy định mới.

Bất chấp chính sách nhằm bảo vệ người già, virus vẫn lây lan trong các viện dưỡng lão, ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi.

Song tuổi tác không phải lý do duy nhất khiến dịch bệnh nghiền nát Italy. Antonella Viola, giáo sư bệnh học tại Đại học Padua, cho biết hệ thống y tế đã bị mở rộng quá mức dẫn đến thiếu nhân lực trước đại dịch.

"Đúng vậy, dân số ở đây già yếu, nhiều người có bệnh nền. Nhưng điều đó giống với phần còn lại của châu Âu. Vấn đề lớn hơn là cách tổ chức chăm sóc sức khỏe tại địa phương. Có quá ít bác sĩ. Bác sĩ đa khoa phải tiếp quản quá nhiều bệnh nhân, không thể chăm sóc cho từng người một", giáo sư Viola nói.

Vào mùa xuân, các bệnh viện ở vùng dịch của miền bắc Italy không có đủ giường để điều trị cho tất cả những người mắc Covid-19 nặng. Để tránh lặp lại tình trạng trên, chính phủ tìm cách tăng số giường tại khu hồi sức tích cực trên cả nước.

Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vật lộn trong cảnh thiếu bác sĩ ở đợt bùng phát mùa thu - hệ quả của việc cắt giảm chi tiêu hàng thập kỷ. Dịch vụ chăm sóc bên ngoài bệnh viện ít được cải thiện. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết nhiều vùng từ lâu đã bỏ quên mạng lưới chăm sóc sức khỏe địa phương, bao gồm cả bác sĩ và gia đình. Vì vậy, nhiều bệnh nhân không được hỗ trợ khi tự cách ly tại nhà. Một số người mắc Covid-19 nặng đến bệnh viện quá muộn, không kịp điều trị.

Nhân viên y tế điều trị cho người mắc Covid-19 tại Bệnh viện San Filippo Neri, Rome, tháng 10/2020.
Ảnh: EPA

Ngay cả khu vực Lombardy giàu có, nơi có những bệnh viện tốt nhất châu Âu, mạng lưới bác sĩ địa phương và các phòng khám quy mô nhỏ cũng không được trang bị để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

"Hệ thống y tế ưu tiên điều trị nội trú. Chúng tôi có dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyệt vời, chặng hạn khu hồi sức tích cực hoặc các đơn vị ghép tạng. Nhưng cơ sở y tế địa phương, y tế dự phòng bị đặt ở vị trí thứ hai. Điều này trở nên rõ ràng hơn trong đại dịch", Guido Marinoni, đại diện hiệp hội bác sĩ Lombardy, nhận định.

Theo dữ liệu chính thức của dự án nghiên cứu Đại học Oxford, từ đầu dịch, khoảng 3,5% người Italy có kết quả dương tính virus đã tử vong, tỷ lệ cao hơn so với bất cứ quốc gia châu Âu nào khác. Ở Đức, con số là khoảng 1,7%.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong thực sự thấp hơn đáng kể, bởi nhiều người nhiễm nCoV chưa từng đi xét nghiệm.

Số liệu năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy trong khi Đức chi khoảng 6.650 USD cho chăm sóc sức khỏe trên mỗi người dân, số tiền Italy bỏ ra chỉ bằng một nửa.

Thục Linh (Theo WSJ)

 


CDEXIM tổng hơp Tin tức liên quan đến Khẩu trang Y tế ngày 22/12/2020, giúp các bạn có những thông tin mới nhất và chính xác nhất từ các nguồn thông tin uy tín

back-to-top.png