Tin tức Khẩu trang Y tế ngày 04/01/2021

Tin tức Khẩu trang Y tế ngày 04/01/2021

CDEXIM tổng hơp Tin tức liên quan đến Khẩu trang Y tế ngày 04/01/2021, giúp các bạn có những thông tin mới nhất và chính xác nhất từ các nguồn thông tin uy tín

>>> Có thể bạn quan tâm: Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế tự động KZ0101 [130 cái/phút]


1. Thẩm định xem xét thử nghiệm trên người vaccine COVID 19 thứ 2 của Việt Nam

Vaccine thứ 2 có tên là Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu phát triển. Hiện, IVAC đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Y tế cho phép triển khai nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covivac trên người tình nguyện.

Tuần tới, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) sẽ họp thẩm định hồ sơ để xem xét đưa ra quyết định cho phép thử nghiệm lâm sàng Covivac.

Nếu được chấp thuận, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, triển khai tiêm thử nghiệm vaccine Covivac trên người. Thời gian dự kiến vào cuối tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch trước đó (vào đầu tháng 3/2021).

TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC Nha Trang - chiều 3/1 khẳng định việc rút ngắn gần 2 tháng không phải về công nghệ mà rút ngắn về thủ tục.

Vaccine này sẽ được tiêm thử nghiệm trên nhiều nhóm người tình nguyện với các liều khác nhau (1 mcg, 3mcg); mỗi người cần tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Thẩm định xem xét thử nghiệm trên người vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam - Ảnh 1.

Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm Covivac giai đoạn 1 có độ tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4/2021. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào khoảng cuối năm 2021.

Trước mắt, IVAC có thể đạt công suất 3 triệu liều/năm. Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng công suất cũng như bảo đảm chất lượng, tính ổn định của vaccine.

Được biết, trước khi hoàn tất hồ sơ thử nghiệm lâm sàng, Covivac đã được nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật, đánh giá về an toàn và sinh miễn dịch, cho kết quả tốt. Mẫu vaccine Covivac cũng được đánh giá tại Mỹ và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

So với Nano Covax (loại vaccine COVID-19 thứ 1 đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 do Công ty Nanogen sản xuất), Covivac có sự khác biệt về công nghệ khi một bên là vaccine được sản xuất trên quy trình protein tái tổ hợp, còn một bên là vaccine vector bất hoạt. Nhưng cả hai loại vaccine "made in Vietnam" này đều đảm bảo tính an toàn theo quy định.

IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vaccine COVID-19 tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Khi nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19, Viện sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vaccine.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến với hơn 700 điểm cầu về phòng chống dịch COVID-19 hôm 23/12/2020 cho hay việc tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 thứ 2 trên người sẽ tiêm ở cả hai miền Nam và Bắc, đảm bảo tính đồng đều.

Theo tin từ Học viện Quân y, chiều 3/1, hiện nay, đơn vị này đã tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng Covid-19 cho 30 người. Tất cả những người được tiêm đều an toàn, không ghi nhận phản ứng bất thường sau tiêm.

Theo Giadinh.net

2. Hà Nội phát hiện 5 ca nhiễm COVID-19

Trong 5 người này có 3 người quốc tịch Nam Phi, 2 người có địa chỉ ở Đống Đa (Hà Nội), đều được CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm ngay sau khi nhập cảnh, cách ly.

Hà Nội phát hiện 5 ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Bộ Y tế chiều 3/1 cho hay Việt Nam vừa ghi nhận thêm 12 ca mắc mới (BN1483-1494) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hà Nội (05), tỉnh Phú Yên (07). Cụ thể:

3 ca bệnh (gồm 2 nữ, 1 nam) quốc tịch Nam Phi (BN1483 - 1485) tuổi từ 12 đến 73 nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976 ngày 31/12/2020, được cách ly tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội ngay sau khi nhập cảnh. Lấy mẫu ngày 1/1/2021, kết quả xét nghiệm ngày 2/1/2021 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

2 người khác (một nam một nữ) gồm BN1486 và 1487 đều có địa chỉ ở quận Đống Đa, Hà Nội. Họ từ Mexico quá cảnh Pháp sau đó nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN18 ngày 31/12/2020, được cách ly tại TP. Hà Nội ngay sau khi nhập cảnh. Lấy mẫu ngày 1/1/2021, kết quả xét nghiệm một ngày sau đó tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

7 bệnh nhân từ BN1488-1494 (gồm 5 nam 2 nữ) tuổi từ 17 đến 53, từ Mỹ quá cảnh Incheon Hàn Quốc sau đó nhập cảnh Sân bay quốc tế Cam Ranh trên chuyến bay VN441 ngày 01/01/2021, được cách ly tại tỉnh Phú Yên ngay sau khi nhập cảnh. 

Xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên ngày 01/01/2020 của BN1488-1491 và ngày 02/01/2020 của BN1492-1494 có kết quả nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang ngày 02/01/2021 của BN1488-1491 và ngày 03/01/2020 của BN1492-1494 khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Theo Giadinh.net

3. Phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam

 

Bộ Y tế sáng 2/1 cho hay đã phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Theo đó, ngày 22/12/2020, sân bay Cần Thơ tiếp nhận chuyến bay VN50 từ Anh tới Việt Nam có 305 hành khách, chuyển cách ly tập trung tại tỉnh Trà Vinh - 147 người, Vĩnh Long - 137 người, TP Cần Thơ - 17 người và TP Hồ Chí Minh - 4 người.

Các địa phương đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm lần 1 và phát hiện 6 trường hợp mắc bệnh gồm BN1429-BN1432 (tại Vĩnh Long) và BN1434-BN1435 (tại Trà Vinh).

Ngay sau đó, Viện Pasteur TP.HCM đã đánh giá, phân loại và giải trình tự gene. Kết quả đã ghi nhận 1 trường hợp - BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01 - là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cho BN 1435, cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.

BN1435 là nữ, sinh năm 1976, quê Trà Vinh, về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh.

Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp 10 năm nay - đang điều trị ổn. Trước khi về Việt Nam, chị này có sức khỏe ổn định. Sau khi nhập cảnh và cách ly một ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TPHCM làm xét nghiệm khẳng định dương tính ngày 24/12/2020.

Đồng thời, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại BV Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amydal cấp và các triệu chứng lâm sàng giảm dần từ ngày 24/12 đến 30/12/2020.

Ngày 31/12/2020 bệnh nhân có ho nhẹ, không đau họng, không sốt, chưa ghi nhận khó thở, hình ảnh X-quang có tổn thương mờ không đồng nhất hai đáy phổi. Hiện nữ bệnh nhân 45 tuổi được chẩn đoán theo dõi viêm phổi và tiếp tục được điều trị theo dõi sát tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh.

Chồng chị hiện sống ở Anh đã tự đi xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp trực tuyến hơn 700 điểm cầu hôm 23/12/2020 cho hay biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên, không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh.

"Đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm nhưng không như đợt này ở Anh" - Bộ trưởng khẳng định và cho hay dù quan ngại, chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này.

Hiện nay, ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát, theo dõi chặt chẽ người từ các quốc gia xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2.

4. Thế giới vượt 84 triệu người mắc COVID 19.

Theo số liệu cập nhật của Worldometers, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 2-1, thế giới tổng cộng 84.361.826 ca mắc và 1.834.484 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, số ca bệnh phục hồi là 59.624.587 ca.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ 30 phút, sáng 26-12 (giờ Việt Nam).

Ảnh minh họa. Nguồn: BloomBerg

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 20.617.346 ca mắc, 356.445 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 10.303.409 ca mắc, 149.205 ca tử vong
  3. Brazil: 7.700.578 ca mắc, 195.441 ca tử vong
  4. Nga: 3.186.336 ca mắc, 57.555 ca tử vong
  5. Pháp: 2.639.773 ca mắc, 64.765 ca tử vong
  6. Anh: 2.542.065 ca mắc, 74.125 ca tử vong
  7. Thổ Nhĩ Kỳ: 2.220.855 ca mắc, 21.093 ca tử vong
  8. Italy: 2.129.376 ca mắc, 74.621 ca tử vong
  9. Tây Ban Nha: 1.936.718 ca mắc, 50.837 ca tử vong
  10. Đức: 1.762.504 ca mắc, 34.388 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

  1. Indonesia: 751.270 ca mắc, 22.329 ca tử vong
  2. Philippines: 475.820 ca mắc, 9.248 ca tử vong
  3. Myanmar: 125.042 ca mắc, 2.697 ca tử vong
  4. Malaysia: 115.078 ca mắc, 474 ca tử vong
  5. Singapore: 58.629 ca mắc, 29 ca tử vong
  6. Thái Lan: 7.163 ca mắc, 63 ca tử vong
  7. Việt Nam: 1.474 ca mắc, 35 ca tử vong
  8. Campuchia: 378 ca mắc
  9. Brunei: 157 ca mắc, 03 ca tử vong
  10. Timor-Leste: 44 ca mắc
  11. Lào: 41 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Châu Âu: 23.877.084 ca mắc, 547.499 ca tử vong
  2. Bắc Mỹ: 23.621.874 ca mắc, 517.565 tử vong
  3. Châu Á: 20.757.124 ca mắc, 338.426 ca tử vong
  4. Nam Mỹ: 13.255.904 ca mắc, 363.696 ca tử vong
  5. Châu Phi: 2.800.709 ca mắc, 66.224 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 48.410 ca mắc, 1.059 ca tử vong

Theo Nhandan.com.vn

back-to-top.png