Tiêm vaccine các mũi cơ bản và nhắc lại để tăng cường, củng cố miễn dịch

Tiêm vaccine các mũi cơ bản và nhắc lại để tăng cường, củng cố miễn dịch

PV: Xin ông cho biết, đến nay công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn đã đạt được kết quả như thế nào?

PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Tính đến ngày 13/2, toàn tỉnh đã triển khai 46 đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và đã thực hiện tiêm 2.975.756 liều vaccine phòng COVID-19 cho người từ 5 tuổi trở lên.

Cụ thể, người từ 18 tuổi trở lên tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 99%, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 67% và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 96,9%. Trẻ em từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cơ bản đạt 100% và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) đạt 60,5%. Trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 83% và mũi 2 đạt 60%.

PV: Hiện nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên có tình trạng người dân lơ là, không tiêm vaccine phòng dịch, tại tỉnh Thừa Thiên Huế việc triển khai tiêm vaccine có đang gặp phải khó khăn, vướng mắc?

PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, chỉ ghi nhận các ca mắc rải rác trên địa bàn toàn tỉnh và hiện không có bệnh nhân phải điều trị tại các cơ sở y tế.

Tiêm vaccine mũi cơ bản, nhắc lại để tăng cường và củng cố khả năng miễn dịch - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế.

 

Tuy nhiên, một bộ phận người dân hiện nay có tình trạng chủ quan, lơ là, hiểu không đúng về các biện pháp phòng chống dịch, có tư tưởng cho rằng không cần thiết tiêm vaccine phòng COVID-19 các mũi nhắc lại do dịch COVID-19 đã được khống chế hoàn toàn và việc tiêm chủng nhiều mũi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Do đó, người dân không chủ động tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt các mũi nhắc lại. Đây là một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất trong công tác đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc cũng như tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao chỉ tiêu tiêm chủng cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, công nhân, cán bộ viên chức, sinh viên, học sinh,…

Đồng thời, tích cực truyền thông về lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, cùng phối hợp với ngành Y tế để triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành Y tế đã tích cực triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bằng nhiều hình thức như tiêm cố định tại cơ sở y tế và lưu động đến tận các trường học, nhà máy, xí nghiệp, thôn xóm tổ chức tiêm chủng ngày thứ 7 và chủ nhật, kể cả trong các ngày nghỉ Tết nguyên đán vừa qua nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng nhất với vaccine phòng COVID-19.

PV: Ngành y tế cần làm gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức về phòng dịch, tiêm vaccine COVID-19?

PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, những loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn đang chống chọi tốt với các biến thể mới, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng và tử vong do COVID-19. Do đó, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19.

Để đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân nhằm nâng cao ý thức về phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành để đưa những thông tin tích cực đến gần với từng người dân, từng công nhân, cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên. Đảm bảo mọi người dân được thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc, các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện và có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại, do đó chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành cần tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên.

Tiêm vaccine mũi cơ bản, nhắc lại để tăng cường và củng cố khả năng miễn dịch - Ảnh 3.

Ngành y tế Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn.

Thực hiện thông điệp vaccine + 2K (khẩu trang, khử khuẩn), lợi ích của tiêm chủng vaccine, đặc biệt tiêm đầy đủ và đúng lịch, nâng cao ý thức người dân về phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng của địa phương, các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, các kênh truyền thông địa phương như loa, đài, phát động các chiến dịch thu hút nhiều đối tượng tham gia.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tác dụng, vai trò của vaccine và việc chủ động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?

PGS.TS Trần Kiêm Hảo: Tổ chức Y tế khẳng định, vaccine phòng COVID-19 đã và đang làm tốt vai trò phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh.

Ngoài ra, miễn dịch do tiêm liều cơ bản giảm dần theo thời gian làm tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong. Mặt khác, người đã từng mắc COVID-19 nếu không tiêm các mũi nhắc lại có nguy cơ tái nhiễm ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Do đó, bên cạnh thực hiện thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch... thì tiêm chủng vaccine vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt tiêm đầy đủ các mũi cơ bản và nhắc lại nhằm tăng cường và củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể đã giảm dần theo thời gian.

Việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi cơ bản cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi và liều nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên là hết sức quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mỗi cá nhân mà còn giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nguy cơ bùng phát dịch trở lại.


back-to-top.png